Hải Phòng vốn nổi tiếng là thành phố với cảng biển, thành phố Hoa phượng đỏ. Cũng có lẽ vì thế mà ít ai biết đến Hải Phòng cũng là một mảnh đất linh thiêng tồn tại nhiều đền chùa cổ kính với nét văn hóa tâm linh độc đáo. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Top 7 ngôi chùa linh thiêng bậc nhất tại Hải Phòng nơi sùng bái thần linh của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
1. Chùa Tháp Tường Long – Hải Phòng
Vào thời nhà Lý (1010-1225), đạo Phật trên đất nước ta được tôn làm quốc đạo, vì vậy hàng nghìn công trình Phật giáo đã được xây dựng mà kỹ vĩ nhất là tháp Bảo thiên ở kinh đô Thăng Long và tháp Tường Long ở Đồ Sơn- Hải Phòng. Theo Đại Nam nhất thống chí, tháp Tường Long có 9 tầng, tháp cao 100 thước, dựng trên khu đất rộng 1000m2.
Điểm nhấn ở đây là chiếc chuông chùa nặng tới trên 1 tấn được mô phỏng từ chuông cửa chùa Vân Bản (Đồ Sơn) được các nghệ nhân chuyên nghiệp đúc trực tiếp tại đỉnh núi Ngọc.
Móng của tháp được làm theo kiến trúc độc đáo với 9 tầng đã được hoàn thiện. Ngoài ra còn có nhà che hố và che bia khảo cổ là nơi đang lưu trữ rất nhiều các hiện vật quý giá. Những đồ vật được cất giữ ở đây rất đa dạng và mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng từ thời nhà Lý, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của gạch, ngói, đá, gỗ mang đậm căn hóa của thế kỷ XI.
Du khách đến Chùa Tháp Tường Long, hòa mình trong tiếng nhạc du dương, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của quần thể cụm tháp đầy linh thiêng, được chiêm ngưỡng pho tượng Phật A Di Đà được phỏng dựng bằng đá ngọc thạc nguyên khối đặt trong tầng một của tòa tháp mà còn có cơ hội được gửi gắm tâm tư của mình lên “cây điều ước” được đặt ngay chân tháp, là những ước nguyện, cầu mong bình an và may mắn đến bản thân và gia đình.
2. Chùa Cao Linh
Chùa Cao Linh toạ lạc tại một mảnh đất rộng lớn, thông thoáng ở cửa ngõ phía tây thành phố Hải Phòng, thuộc thông Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương thành phố Hải Phòng.
Chùa Cao Linh là một địa điểm tâm linh không thể bỏ qua đối với các du khách thập phương khi đến với thành phố Cảng Hải Phòng. Ngôi chùa mang lối kiến trúc đặc sắc, được pha trộn giữa nét truyền thống của phương Đông và nét hiện đại của phương Tây. Chùa Cao Linh không chỉ thu hút khách du lịch bởi sự tâm linh vốn có mà còn bởi kiến trúc nguy nga, tráng lệ của cảnh chùa.
Chùa Cao Linh sở hữu một kiến trúc nguy nga và đồ sộ, được pha trộn giữa nét đẹp cổ kính đậm chất phương Đông và nét đẹp hiện đại của kiến trúc phương Tây. Chùa Cao Linh sở hữu hệ thống tam cấp đồ sộ, bên trên là các mái cong có họa tiết hình rồng và họa tiết ngồi chầu. Thành chùa là hình Phật A Di Đà được chạm nổi cùng ngàn mây tạo một vẻ đẹp vô cùng rực rỡ và tôn nghiêm.
Với đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo, Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật trong khắp nội ngoại thành phố. Đây là điểm tham quan du lịch thu hút các du khách trong và ngoài nước và cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi.
3. Chùa Linh Độ Tự (chùa Đỏ)
Nằm ngay giữa trung tâm thành phố hoa phượng đỏ, tọa lạc tại phố Lê Lai, nằm sâu trong một con ngõ khá khuất nẻo và được bao bọc bởi khu dân cư, chùa Đỏ (Linh Độ Tự) là một địa chỉ tâm linh nức lòng du khách. Xưa kia, vào thời chiến tranh, vua đi tham chiến tại vùng đất này. Bếp trong chùa tự dưng rực đỏ lên, nhân dân lấy làm điều lạ nên gọi chùa tên là chùa Đỏ. Khi vua Hưng Đạo Vương qua đời, nhân dân lập thêm hai miếu thờ cạnh chùa để tưởng nhớ đến ngài.
Sau nhiều lần trùng tu và sửa chữa, chùa Đỏ ngày càng có diện tích rộng lớn hơn và có quy mô hiện đại như ngày nay. Trước thời kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa được cho là đẹp nhất tại khu vực này và bản đồ thành phố được khắc tại đây. Nhưng sau chiến tranh, ngôi chùa bị thiệt hại nặng nề.
Chùa có kiến trúc đặc biệt nhất mà ít ngôi chùa nào có được. Với kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái. trúc chùa cũng gồm 3 phần chính là Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Tiền đường, Trung đường và Hậu cung được nối liền với nhau và được xử lí bằng cách hai mái giao nhau. Sự kết hợp đó càng khiến ngôi chùa đẹp hơn, hoàng tráng và nguy nga hơn.
Vào dịp đầu năm, người dân thành phố thường đến đây thắp nén tâm nhang cầu mong một năm mới an lành. Du khách thập phương cũng lặn lội từ những miền đất xa lạ đến thưởng ngoạn cảnh chùa và cầu lễ cho một năm mới bình an và may mắn.
4. Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi trưng bài danh nhân văn hóa lỗi lạc của nước nhà. Di tích Trạng Trình cũng là nơi trưng bày khá đầy đủ hiện vật về thân thế và sự nghiệp trong suốt cuộc đời của ông. Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng. Khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình.
Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi cụ mất (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện
Từ thành phố Hải Phòng, đi qua những ruộng thuốc lá xanh rờn xen lẫn cánh đồng lúa chín vàng, chúng tôi đến thăm Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên quê hương ông ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.
Trên con đường trải đầy rơm rạ sau vụ gặt và nồng đượm mùi thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp nước, cũng có rất nhiều người như chúng tôi, tìm về Khu di tích, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hoá, một nhà hiền triết mà sự nghiệp và tên tuổi của ông đã lưu danh mãi cùng đất nước.
Trong quần thể di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách không xa đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là phần mộ cụ Nguyễn Văn Định, thân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm và tháp Bút Kình Thiên, tương truyền là do học trò tạo dựng để ca ngợi tài năng của Trạng trình như trụ cột chống trời, chùa Song Mai và đền thờ bà Minh Nguyệt (vợ thứ của Trạng Trình), di tích Quán Trung Tân bên bờ sông Hàn… Đặc biệt trong không gian của khu di tích có rất nhiều vườn tượng, với kích thước bằng người thật, diễn tả lại cuộc đời, cảnh dạy học khi xưa của Nguyên Bỉnh Khiêm, tạo nên một khung cảnh gần gũi và sống động.
Hàng năm cứ đến ngày 23/12, người dân trong vùng và các nơi lại kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… đã mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước
5. Chùa Dư hàng
Chùa Dư Hàng nằm tại thành phố Hải Phòng, Địa chỉ của chùa Dư Hàng nằm ở số 121 phố Dư Hàng, Hồ Nam, Lê Chân, thành phố Hải Phòng. đây là ngôi chùa bề thế, có kiến trúc cổ. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà chùa đón tiếp hàng ngàn khách du lịch đến thăm đền và hành hương cúng lễ.
Chùa Dư Hàng còn có tên gọi là Phúc Lâm tự, ngôi chùa này được xây dựng thời Tiền Lê (980-1009). Chùa có kiến trúc bề thế gồm tam quan, Phật điện, nhà Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà phương trượng, tăng xá. Vào năm 1899, chùa được trùng tu lại, bổ sung thêm gác chuông. Năm 1917, chùa được xây thêm thư các, vườn tượng, sửa sang vườn tháp và kiến trúc chùa được duy trì cho tới ngày nay.
Cấu trúc chùa được dựng theo kiến trúc chữ Đinh, hai bên là nhà tổ, đằng trước là tam quan. Đi qua tam quan là tới tòa Phật điện 7 gian có những hàng cột lim lớn đã ngả màu. Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thếp vàng rực rỡ. Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây, hộp hình khắc gỗ mô tả cảnh thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Hơn nữa, tại đây còn lưu giữ lại những pho tượng Phật cổ có giá trị, được đúc kết tinh xảo như: bộ Tam thế, tòa Cửu long – Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ…
Chùa mở cửa quanh năm, nhưng đông nhất vẫn phải kể đến dịp lễ Tết và ngày rằm tháng 7. Đây là hai thời điểm đông nhất, khách du lịch đến viếng thăm và vãng lai cảnh chùa, hòa mình vào không khí thiêng liêng, thành tâm niệm Phật và cầu mong mọi sự an lành đến với gia đình, người thân. Chùa nằm ở số 121 phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đường đến chùa thuận lợi, du khách có thể di chuyển bằng cách đi xe máy, ô tô hoặc tổ chức theo tour đoàn đi vào dịp đầu xuân năm mới.
6. Chùa Mõ (Đền Mõ)
Chùa Mõ chính là nơi thờ cúng Quỳnh Trân Công Chúa, là con gái của Trần Thánh Tông. Đây chính là người có công lớn trong việc khai hóa mảnh đất Kiến Thụy, Hải Phòng. Vào năm 1283 (Quý Mùi), công chúa Quỳnh Trân đã xin cha của mình là vua Trần Thánh Tông cho phép được quy y, xuất gia nơi của Phật và được vua đồng ý.
Nơi này trước kia thuộc làng Nghi Dương, huyện Nghi Dương, Kinh Môn phủ, Hải Dương trấn nay là của Hải Phòng. Công chúa Quỳnh Trân đã kêu gọi người dân đến khai hoang và lập ấp tại nơi đây, sau đó cùng với người dân xây dựng thành ngôi chùa Mõ lịch sử.
Điểm nhấn độc đáo của chùa Mõ là có cây gạo cổ thụ tuổi đời trên 730 năm, đây là cái cây huyền thoại được đích thân Quỳnh Trân công chúa trồng với mong muốn người dân luôn được no ấm.
Năm 1991, chùa Mõ đã được đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đồng thời cây gạo cổ này cũng được công nhận là cây gạo di sản của Việt Nam.
- Địa chỉ của chùa Mõ tọa lạc ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
- Khi tới đây vào dịp năm mới bạn sẽ gặp được lễ hội chính (6-8/1 âm lịch hàng năm).
7. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là một quần thể công trình được phục dựng công phu. Với tổng diện tích rộng 2,5 ha, gồm có nhà chính điện, nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long (1527 – 1592) là Thái tổ nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung và 4 vị hoàng đế là Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp.
Tại khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, trong chính điện có nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá. Từ chiếc bình với hình ảnh chùa Một Cột, chim hạc đến chiếc đại hồng chung nặng 1.527kg (cân nặng ứng với năm vua Mạc Đăng Dung lên ngôi), chiếc chiêng đồng với hình ảnh 2 con rồng khắc nổi, lư hương màu lam từ thời nhà Mạc.
Đặc biệt là thanh Định Nam Đao từng cùng vua Mạc Đăng Dung xông pha chiến trận “bách chiến bách thắng”, những câu chuyện kỳ thú trong suốt 418 năm thanh long đao bị lưu lạc. Hiện, thanh long đao hơn 500 tuổi và là đại đao lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 2,55m, cân nặng 25,6 kg, bằng sắt rỗng, phần lưỡi đao dài 95 cm, cán đao dài 1,6 m. Theo gia phả dòng họ và truyền ngôn của các bậc cao niên, thời còn làm tướng, đức Mạc Thái tổ thường sử dụng thanh đại đao này xông pha trận mạc.
Địa chỉ: Thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng
Nối mạch phát triển xưa, bằng sức mạnh đoàn kết, cách nghĩ sáng tạo, người dân Dương Kinh, Kiến Thụy tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống. Xây dựng nơi đây trở thành địa chỉ thu hút không chỉ các chi họ Mạc cả nước, mà còn du khách muôn phương về dâng hương tưởng niệm các vua triều Mạc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu hôm nay.