‘Tập thể thao cũng gây đột quỵ’ có thể sảy ra không?

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cao. Đột quỵ được nhận định là một căn bệnh cấp tính, xảy đến đột ngột và rất nguy hiểm nếu như không được xử lý kịp thời. Nhiều diễn đàn của người đam mê rèn luyện thể lực đang xôn xao về chứng đột quỵ. Nhất là khi đột quỵ không từ một ai, kể cả đó là một hoa hậu có lối sống lành mạnh và rèn luyện thể thao vô cùng tích cực.

 

Tập luyện thể thao cũng gây đột quỵ?

Không thể phủ nhận vai trò của thể thao đối với sức khỏe con người. Ngoài phát triển toàn diện thể lực, việc tập luyện thay đổi tích cực đối với tinh thần. Nhờ tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh endorphin mà não tập trung tốt hơn, tư duy hiệu quả hơn và con người cảm thấy hưng phấn hơn.

Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm gần đây, số ca nhập viện để điều trị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7 lên 2,5%, với tỉ lệ nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20 và thậm chí là trẻ hơn, chiếm đến 1/3 các trường hợp đột quỵ.

Đột quỵ do tập thể dục

Đặc biệt, đã có trường hợp bị đột quỵ khi đang tập luyện khiến nhiều người lo lắng: Tại sao một người đam mê và hiểu biết về thể thao vẫn không tránh được đột quỵ? Có người còn bắt đầu “dè chừng”, không dám vận động như trước.

Ở góc độ của một chuyên gia tim mạch, bác sĩ chuyên khoa cấp II Trần Thị Thanh Trúc (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.HCM) chia sẻ: “Nỗi sợ vận động làm tăng nguy cơ đột quỵ là bình thường. Thực sự trong y khoa cũng đã có thuật ngữ dùng để mô tả nỗi sợ này tên là “kinesiophobia”.

Kinesiophobia được định nghĩa là nỗi sợ hãi quá mức, phi lý, gây suy nhược khi vận động và hoạt động thể chất xuất phát từ cảm giác dễ bị tổn thương do chấn thương hoặc chấn thương tái phát, được coi là yếu tố trung tâm trong quá trình đau phát triển từ cấp tính đến mãn tính. Cụ thể ở đây, cộng đồng lo lắng về việc tập luyện thể thao sẽ gây đột quỵ”.

Chứng đột quỵ xảy đến do thiếu máu cục bộ lên não (tắc mạch, chiếm tỉ lệ 85%) và xuất huyết não (vỡ mạch, chiếm tỉ lệ 15%). Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

Đột quỵ không chừa một ai, kể cả người trẻ tuổi hay thậm chí là trẻ nhỏ. Nhóm đối tượng thanh niên có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn uống nghèo nàn dưỡng chất, thường xuyên chịu nhiều áp lực công việc và stress… là nhóm nguy cơ cao nhất của chứng đột quỵ.

Do vậy, việc “sợ” tập luyện thể dục thể thao có lý, nhưng lại không hợp lý. Người ít vận động, ngồi nhiều, nguy cơ đột quỵ còn cao hơn. Y học thể thao thế giới đã ghi nhận, con người nên tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 ngày trong tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ.

Vượt qua nỗi sợ đột quỵ

Xin được khẳng định lại, tập luyện thể thao là hữu ích và cần thiết cho sức khỏe. Để vượt qua nỗi sợ chứng đột quỵ, cần phải có những nguyên tắc để bảo vệ việc tập luyện tốt và hiệu quả hơn.

Đầu tiên chính là việc xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với người đã bước vào tuổi 40. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Bạn nên nhớ, rất nhiều bệnh lý hầu như không có triệu chứng báo trước.

Với thiết bị chụp cộng hưởng từ (CT Scan) hiện nay, các bác sĩ sẽ tầm soát được mọi ngóc ngách của hệ tim mạch, hệ cơ xương khớp, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa… Mọi bất thường sẽ được phát hiện và cảnh báo.

Với riêng y học thể thao, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ cùng bác sĩ tim mạch tiên lượng được khối lượng vận động phù hợp nhất cho người chơi thể thao, có lời khuyên cụ thể cho từng bộ môn, thiết kế các bài tập vừa sức, an toàn để bạn tập luyện.

Trong trường hợp người chơi thể thao có những bệnh lý nền, nếu không thể có bác sĩ điều trị, bác sĩ phục hồi chức năng cùng đồng hành, bạn cũng cần đến bệnh viện thường xuyên để kiểm tra sức khỏe và nhìn thấy những kết quả của việc tự rèn luyện.

Khi tập luyện, không nên tập luyện một mình để phòng tình huống bất ngờ. Một số bệnh nhân dị dạng mạch máu não, có bệnh tim cấu trúc như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim thoáng qua nhưng chưa có triệu chứng và cũng không biết bản thân có bệnh lý, khi tập luyện có thể rất nguy hiểm.

Do đó, lời khuyên của các chuyên gia là đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể như khó thở, tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói… Ngay lúc có những triệu chứng này, bạn cần phải dừng tập ngay lập tức và gọi người hỗ trợ.

Bạn không nên cho rằng tập luyện thể dục thể thao là một việc gì đó quá sức, và phải chọn những môn thể thao chuyên biệt. Vận động toàn bộ cơ thể bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe và các hoạt động phục vụ cuộc sống hằng ngày cũng là một hình thức luyện tập hiệu quả.

Đừng quên nguyên tắc tập từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh để cơ thể có thời gian thích nghi.

“Mỗi người chúng ta hãy tin rằng mình có thể làm được những điều lớn lao hơn là chỉ nghĩ đến bệnh tật. Một bệnh nhân bệnh tim vẫn có thể chạy marathon và leo núi. Dĩ nhiên là để làm được điều này, cần phải xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao đúng cách, duy trì cân nặng ổn định, làm việc và nghỉ ngơi khoa học, kiểm soát tâm trạng để tránh xa căng thẳng… Để dự phòng, mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Trúc

 Theo baotuoitre.vn