Phong tục cúng ông công ông táo qua góc nhìn đạo Phật

Theo quan niệm từ xưa của người Việt, Ông Công ông Táo là những vị thần chuyên quản lý trông nom ở các gia đình có nhiệm vụ cuối năm sẽ lên thiên đình báo cáo những việc tốt xấu của gia chủ với Ngọc Hoàng, Vì vậy, với mong muốn gia đình sang năm mới gặp nhiều thuận lợi và may mắn nên ngày tết ông Táo được mọi người rất coi trọng.

Vậy ông Công ông táo là ai? và nguồn gốc ý nghĩa thế nào? Tổng Kho máy photocopy – Việt Số Hóa kính mời quý phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về phong tục này nhé.

Nguồn gốc của phong tục Tết ông Công ông Táo

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích Táo Quân bao gồm 3 vị là thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo.

Truyện xưa kể rằng Trọng Cao và Thị Nhi là hai vợ chồng tuy sống rất yêu thương nhau nhưng mãi không có con. Trọng Cao vì chuyện này mà đánh mắng và đuổi Thị Nhi đi. Thị Nhi bỏ đến xứ khác thì gặp được Phạm Lang. Hai người quý mến nhau rồi kết thành vợ chồng. Về phần Trọng Cao, sau khi đuổi vợ đi thì anh ta hối hận và lên đường tìm kiếm vợ. Trọng Cao lang thang khắp nơi, hết tiền hết gạo nên đành đi ăn xin.

Tết ông Công ông Táo
Tết ông Công ông Táo

Một ngày nọ, Trọng Cao đi xin đúng nhà của Thị Nhi. Hôm ấy Phạm Lang đi vắng, Thị Nhi nhận ra chồng cũ. Vợ chồng gặp lại vẫn còn thương nhau nên Thị Nhi dẫn vào nhà và mời cơm nước, trò chuyện với Trọng Cao. Không may, Phạm Lang trở về, Thị Nhi đành giấu Trọng Cao trong đống rơm để tránh điều thị phi.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào định cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo khiến cả ba đều chết trong đám lửa.

Ngọc Hoàng Thượng Đế biết được ba người này sống có tình nghĩa nên Ngài phong ba vị làm thần Định Phúc Táo Quân, nghĩa là Vua bếp, cai quản việc của các gia đình.
Cụ thể, Phạm Lang được giao trọng trách là thần Thổ Công, trông coi việc bếp núc, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao được phong làm thần Thổ Địa, coi sóc việc đất đai, nhà cửa của gia đình, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Còn Thị Nhi được phong làm thần Thổ Kỳ, danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần trông coi việc buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa của gia đình. Theo đó, cả ba vị tuy giữ chức danh riêng nhưng đều gọi là Táo.

Ý nghĩa của việc cúng lễ trong ngày Tết ông Công ông Táo

Thể hiện tâm biết ơn đến các vị thần linh
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Với thế giới quan của Phật giáo thì thế giới vô hình của các vị thần linh là có. Trong lục đạo luân hồi, Đức Phật nói rõ ràng là có cảnh giới của quỷ thần. Cho nên chúng ta có thể tin rằng nơi đất nhà mình, nơi làng mạc, nơi thành phố, địa phương có những vị thần ấy chịu trách nhiệm”.

Cho nên, đối với phong tục cúng ông Công ông Táo, Sư Phụ giảng giải: “Việc chúng ta làm lễ để cúng cho các vị thần: ông Công ông Táo hay thổ địa long thần; chúng ta cúng đều tốt, thể hiện sự cung kính, và tâm rộng mở, tâm biết ơn của chúng ta. Việc cúng lễ là việc làm bố thí và biết ơn”.

Thể hiện tâm biết ơn, kính trọng đối với các vị thần là một việc làm đáng quý, dù với con mắt phàm trần chúng ta không thấy biết được sự hiện diện của các vị. Bởi từ tâm trọng đức, cung kính ấy mà chúng ta được phước lành. Và chính phước lành mang đến những điều tốt đẹp cho chúng ta.

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không chỉ là ngày tiễn ông Táo về chầu Trời mà còn là ngày sum họp của gia đình sau một năm và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sắp đến.

Sư Phụ chia sẻ thêm: “Cúng ông Công ông Táo về mặt tâm linh là việc làm tốt. Bởi đây là truyền thống lâu đời của dân tộc mình và cũng là bước đệm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Con cháu đi xa về gần đều cố gắng về nhà trước Tết ít nhất một tuần vào ngày 23 tháng Chạp để dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa Tết và trang trí. Và nhân cơ hội đấy cả nhà cùng quây quần ngồi với nhau liên hoan cũng rất là vui vẻ”.

Cúng ông Công ông Táo thế nào để được lợi ích?

#1 Cúng dường hồi hướng cho các vị Thần
Trong kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu, Đức Phật dạy: “Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên…”

Từ lời Phật dạy, Sư Phụ đưa ra lời khuyên: “Cho nên, dân ta cúng thần thổ công và ông Công ông Táo là việc tốt nhưng chúng ta phải hiểu được bản chất của nó. Có những vị thần linh vô hình ở xung quanh chúng ta; và chúng ta nhớ đến họ, cung kính, cúng dường bố thí, kết duyên với họ để họ trở thành người tốt và cũng mong họ hộ trì, giúp đỡ chúng ta”.

Trong buổi chia sẻ, Sư Phụ cũng lấy ví dụ giống như chúng ta sống keo kiệt với hàng xóm, không giúp đỡ họ thì người ta cũng sẽ không tốt với mình. Nhưng nếu ta sống với tâm rộng mở, hoan hỷ giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi thì khi gặp khó khăn, họ có thể giúp đỡ cho chúng ta phần nào. Đó là tinh thần tương thân tương ái.

#2 Cúng chay, phóng sinh
Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya. Đức Phật dạy: “Này Bà la môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loại sinh vật khác bị giết hại. Này Bà la môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình…”

Trong video “Cách cúng ông Công ông Táo đơn giản mà vẫn được phước”, Sư Phụ khuyên các Phật tử: “Ngày tiễn ông Công ông Táo chúng ta thường làm mâm cơm cúng rồi mua cá chép phóng sinh. Vậy nên, việc phóng sinh là chúng ta đã tán thành, còn việc mà cúng lễ mà đúng tinh thần Phật thì chúng ta vẫn nên cúng chay, thanh tịnh”.

Từ lời chư Phật dạy và lời Sư Phụ giảng giải, chúng ta thấy việc cúng lễ trang nghiêm, thanh tịnh sẽ mang lại phúc báu lớn cho gia chủ. Cũng vậy, việc thờ cúng ông Công ông Táo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta cần giữ gìn. Đây cũng là dịp sum họp gia đình và thể hiện sự biết ơn, tri ân các vị thần linh với tâm rộng mở bằng cách cúng dường, bố thí và cầu mong các vị được thêm phước lành.